Bạc phận
Từ lúc chào đời, nó đã cảm nhận được sự thua thiệt và thiếu may mắn của mình. Mẹ sinh nó cùng lúc với 5 anh chị em, ai cũng trắng, cũng xinh xắn, đáng yêu, chỉ có mình nó là đen thui, còi cạch, lại còn bị mấy cái mụn ghẻ mọc chi chít thành từng khoang loang lổ. Và cũng vì còi cạch và yếu ớt nên khi bú, những cái vú to, căng, nhiều sữa đều bị các anh chị to khỏe của nó tranh mất
, nhường lại cho nó mấy cái vú bé tẹo, tong teo, bú rát cả lưỡi mới nhỏ ra được vài giọt sữa loãng toẹt, nhạt thệch. Chỉ đến khi các anh chị đã no nê, phưỡn phệ thì nó mới được ngậm vào những cái vú to ấy. Là ngậm cho biết cảm giác thôi, chứ khi mà anh chị nó đã nhả ra rồi thì những cái vú ấy chẳng khác gì những quả bóng bay bị xịt hơi: nhão nhoẹt và lép kẹp!
, nhường lại cho nó mấy cái vú bé tẹo, tong teo, bú rát cả lưỡi mới nhỏ ra được vài giọt sữa loãng toẹt, nhạt thệch. Chỉ đến khi các anh chị đã no nê, phưỡn phệ thì nó mới được ngậm vào những cái vú to ấy. Là ngậm cho biết cảm giác thôi, chứ khi mà anh chị nó đã nhả ra rồi thì những cái vú ấy chẳng khác gì những quả bóng bay bị xịt hơi: nhão nhoẹt và lép kẹp!
Rồi cũng đến ngày khách mua tới ngắm nghía, vuốt ve, săm soi, chọn một con mà khách ưng ý nhất trong đàn để mang đi. Hầu như khách chọn đều dựa trên các tiêu chuẩn như khỏe mạnh, bụ bẫm, lông trắng mượt, lưỡi đốm, chân huyền đề. Và vì vậy, trong khi các anh chị nó ra sức nhảy nhót, tạo dáng, ưỡn ẹo thể hiện để mong lọt vào mắt xanh của những khách mua giàu sang thì nó chỉ nằm im một chỗ. Vì nó biết, có cố làm theo như các anh chị ấy cũng vô ích, bởi nó chẳng đáp ứng được bất kỳ tiêu chuẩn nào mà khách yêu cầu cả. Ngược lại, nó mà đứng lên, mà múa may, ngúng nguẩy, là y như rằng mấy sợi lông ở chỗ mấy cái khoang ghẻ lở loang lổ ấy lại rụng ra tơi tả.
Và vì vậy, cả đàn người ta đã mua gần hết, giờ chỉ còn sót lại nó và một chị nữa. Chắc là chị ấy cũng sắp được về với chủ mới rồi, bởi nó nghe phong thanh rằng sáng mai lại có người đến xem chó.
Quả đúng vậy. Vị khách lần này là một người đàn ông trung niên, ăn mặc tuềnh toàng, mái tóc bù xù, bộ ria mép lâu ngày không được tót tỉa khiến khuôn mặt lão nhìn khá dữ tợn. Kệ! Nó cũng chẳng quan tâm, bởi ông ta giàu hay nghèo, lành hay dữ thì cũng là cái phúc, cái họa của chị nó chứ có liên quan gì đến nó đâu mà nó phải thừa hơi để ý.
Thế nhưng không, gã đó lại nhìn chằm chặp vào nó, nhẹ nhàng đưa tay vuốt vuốt mấy sợi lông lòa xòa trên lưng nó…
- Sao anh không chọn con trắng kia? Nó nhanh, bụ bẫm và khôn hơn nhiều đấy!
- Tôi đi xem, thầy bảo tôi phải nuôi chó đen thì mới hợp, mới ăn lên làm ra! Mà sao con này lại ghẻ gúm, lông rụng tùm lum vậy?
- Lông rụng sẽ mọc lại, ghẻ thì tắm vài bận là hết! Nếu anh ưng con ấy, tôi bớt cho anh nửa giá!
Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng. Giờ nó đã thuộc về người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn, thô kệch ấy. Thôi thì làm kiếp chó, nó đâu có quyền chọn chủ. Nếu số may, số đỏ, gặp được người tử tế thì người ta cho ăn, cho uống, cho tắm rửa đàng hoàng. Còn nếu bạc phận mà rơi vào tay cái ngữ ất ơ, nghèo mạt, nó bỏ đói, bỏ rét, rồi ngứa mắt là nó đá, nó vụt, thì cũng phải chịu. Cái này chả ai biết trước được, nó giống như đánh bạc, giống như đàn bà lấy chồng, đàn ông lấy vợ vậy!
Mấy ngày đầu, sợ nó lạ nhà bỏ đi, nên ông chủ xích nó vào gốc cây cau, gần ngay cổng ra vào. Phải mất non một tuần, khi thấy nó đã quen nhà, quen người, ông chủ mới tháo xích thả nó ra. Đến bữa, hoặc là ông ấy, hoặc là con gái ông ấy mang cơm đổ vào cái tô ở góc sân cho nó. Cô con gái của ông chủ có vẻ khó gần, bởi từ lúc nó về, chửa lần nào cô ấy chạm vào người nó chứ chưa nói gì đến vuốt ve, cưng nựng. Không hiểu là tính cách của cô ấy như thế, hay vì cô ấy sợ mấy cái mụn ghẻ lở, bong tróc trên người nó?
Nhưng rồi cũng đến ngày nó chiếm được cảm tình của cô chủ. Ấy là cái lần mà không hiểu buồn chuyện gì, ông chủ nó bày mâm, trải chiếu giữa nhà, ngồi tu rượu ừng ực một mình. Trên mâm đặt một đĩa thịt vịt đầy ú ụ. Nó nhìn đĩa thịt vịt mà mồm há ra hông hốc, nước dãi chảy tong tong. Có đôi lúc cơn thèm trỗi dậy, nó định nhảy bừa vào mâm ngoạm lấy vài miếng rồi chạy ra góc sân ăn cho đã. Nhưng nhìn bộ mặt dữ tợn của ông chủ, nó lại thấy chùn, đành ngoan ngoãn chầu bên cạnh chiếu, ngóng vào đĩa thịt, rồi lại ngóng vào cái mồm bóng nhẫy, nhồm nhoàm với hi vọng lão chủ tham ăn ấy sẽ nhằn ra một mẩu xương, một miếng da, quăng ra cho nó.
Nhưng không, lão ấy nhai rau ráu cả xương, chẳng chìa ra tí nào. Cứ mỗi lần cho miếng thịt vào mồm là lại một lần lão cầm cái cốc rượu, ngửa cổ lên và nốc cạn. Cái can rượu đã vơi đi hơn nửa, đĩa thịt cũng vậy, ngày càng ít dần, chỉ có sự sốt ruột và thèm thuồng của nó là vẫn liên tục đầy lên.
Bỗng nó nghe cái “Xoảng!”, ông chủ của nó mềm nhũn rồi đổ vật xuống chiếu, mắt nhắm nghiền, mồm lè nhè, làu bàu mấy câu gì đó rồi im bặt. “Cơ hội đến rồi!” – Nó nghĩ vậy và lập tức nhào tới chỗ đĩa thịt vịt. Đáng ra, nó phải ăn tơm tớp cho đã cơm thèm, cho bõ công chầu chực nãy giờ, nhưng nó chợt khựng lại. Nó đang sợ! Không phải nó sợ ông chủ, bởi ông ấy bất tỉnh rồi, làm sao đánh nó được?! Nó cũng không sợ cô chủ, bởi cô ấy không có nhà nên chẳng thể biết việc nó ăn vụng. Thứ nó sợ ở đây chính là đĩa thịt vịt. Ai dám chắc rằng ông chủ nó gục xuống bất tỉnh là vì rượu? Nhỡ đâu, lý do ông ấy gục xuống lại là từ đĩa thịt vịt, rằng trong thịt vịt có độc? Nếu đúng vậy mà giờ nó xơi hết chỗ thịt vịt này thì có phải nó sẽ chết chung với lão chủ tham ăn hay sao?
Vậy là nó cứ ngồi ngây ra đó ngẫm ngợi, băn khoăn, nửa sợ chết, nửa thèm ăn. Đúng lúc ấy thì cô chủ về. Thấy bố nằm lăn trên đất bất tỉnh, cô chủ cuống cuồng vực bố lên giường, lấy khăn ướt lau mặt, pha nước chanh cho bố…
Chiều hôm ấy, trong tô cơm mà cô chủ đơm cho nó có mấy miếng cổ cánh vịt thơm phức, cả miếng phao câu, mấy miếng nhiều da, nhầy nhầy mỡ là cô cũng quẳng vào tô cho nó. Vừa nhìn nó ăn, cô vừa vuốt ve bộ lông của nó lờm xờm rồi khoe với ông chủ:
- Con chó nhà mình ngoan lắm đấy bố! Trưa nay bố say rượu gục xuống chiếu mà nó không hề ăn vụng, lại còn đứng canh gác đĩa thịt, không để cho bọn mèo, bọn gà vào làm bậy!
Nó chẳng hiểu cô chủ nói gì, nhưng nó thấy vui vì được ăn ngon, và vì cô chủ đã yêu quý nó nhiều hơn.
Đêm hôm đó, bởi được ăn ngon và no, nên nó ngủ say lắm! Bỗng nó giật mình bừng tỉnh khi nghe tiếng ông chủ từ trong nhà kêu thất thanh: “Trộm! Trộm...!”. Liền sau đó là tiếng đạp cửa nghe đánh “Phành!”, một bóng đen lao vụt ra, và gần như tức thì, một bóng đen khác cũng lao theo. Nó lúc đó đang nằm ở gần cổng, thấy vậy thì biết là có chuyện rồi. Dù chưa rõ chuyện gì nhưng sao nó thấy sợ và run rẩy vô cùng. Trong cái lúc hỗn loạn, cái lúc mà còn chưa rõ là phúc hay họa thế này thì cứ trốn đi là lành nhất. Nghĩ thế, nó chạy vù ngang qua ngõ, men theo mép thềm để leo lên góc hiên nhà, bởi khi không thể vào được trong nhà thì góc hiên hẳn là nơi an toàn nhất dành cho nó.
Thế nhưng lúc nó leo lên thềm cũng đúng là khi cái bóng đen chồm tới. “Uỵch!!!”, cái bóng đen vấp vào nó rồi đá nó văng đi, lăn mấy vòng ra tận góc sân. Nó thấy đau nhói và tức ngực vô cùng, rú lên từng hồi ăng ẳng, giọng sủa lạc đi, thảm thiết. Cái bóng đen ấy cũng chẳng khá hơn, loạng choạng, liểng xiểng rồi cũng bổ nhoài ra đất. Trong tích tắc, cái bóng đen thứ hai nhào đến, rồi vật lộn, rồi hô hào, rồi mấy người hàng xóm xung quanh ập đến…
Hôm sau, chẳng hiểu sao, nó lại được ăn một bát cơm đầy ú với toàn là thịt, rau, tôm, cá, thứ nào cũng béo ngậy, ngon lành. Lần này thì đến lượt ông chủ vuốt ve nó, giọng trìu mến:
- Giỏi lắm! Thưởng cho mày đấy! Ăn đi! Không có mày trợ giúp thì chắc đêm qua tao đã để thằng trộm nó xổng mất rồi!
Nó chẳng hiểu ông chủ nói gì, nhưng nó thấy vui vì được ăn ngon, và vì ông chủ đã yêu quý nó nhiều hơn.
Dù ăn ngon, nhưng độ này, nó ngủ không ngon. Bởi có một con rắn hổ mang sống trong hốc cây dừa nơi đầu nhà, cứ nửa đêm lại bò ra sột soạt, rồi phùng mang lên, thổi phì phì. Nó sợ lắm, không dám ngủ, bởi nhỡ đâu, trong lúc nó ngủ say, con rắn gớm ghiếc ấy sẽ trườn tới, bổ một nhát vào cổ nó, thế thì chết chắc! Và cũng vì sợ nên nó cứ ngỏng mõm ra chỗ cây dừa ấy sủa ầm ĩ, liên hồi, đến nỗi ông chủ nó phải tỉnh giấc mấy lần, quát nó cũng mấy lần, nhưng nó vẫn không im. Liên tục mấy đêm như thế, nó thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Ông chủ nó cũng vậy, vẻ mặt ông thất thần và sự lo lắng thì lộ rõ.
Rồi nó thấy ông chủ đưa về một lão thầy pháp, sắp một mâm đầy rượu thịt, hoa quả, tiền vàng ở ngay gần gốc dừa, rồi nghi ngút khói hương, sì sụp khấn vái. Xong xuôi, lão thầy pháp đưa cho ông chủ nó mấy lá bùa, dặn là dán ở bốn góc nhà. Ông chủ nó nghe vậy thì “vâng dạ” răm rắp, nhưng giọng vẫn chưa hết hoang mang:
- Vậy còn cái vong ở gốc dừa đó thì sao hả thầy?
- Tôi đã đuổi nó đi rồi! Là vong nữ trẻ, ám ở đó đã khá lâu! May mà con chó nhà anh nó phát hiện ra nên anh mới biết mà đuổi sớm, chứ nếu cứ để vong quanh quẩn ở đấy thì sẽ nhiều phiền phức lắm!
Nó chẳng hiểu ông chủ và lão thầy đó nói gì, nhưng nó thấy vui vì hôm ấy nó lại được ăn ngon, và vì ông chủ ngày càng yêu quý nó nhiều hơn.
Cũng từ cái hôm cúng bái ấy, con rắn hổ mang đã không trú trong hốc dừa nữa mà lại trườn vào vườn khoai lang um tùm để ẩn náu. Vậy nhưng thỉnh thoảng, nó vẫn nghe thấy tiếng con rắn ấy phì phì, và lần nào cái thứ âm thanh ấy cũng khiến nó sợ chết khiếp.
Sáng nay, ông chủ ra vườn làm cỏ. Nó cũng lăng xăng chạy theo, rồi đùa nghịch, luồn lách, chui qua chui lại giữa mấy luống khoai lang xanh rờn, rậm rạp. Bỗng nhiên, nó giật mình chững lại, bởi hình như nó vừa nghe thấy tiếng con rắn ấy phì phì. Đúng thật, từ phía góc vườn, con rắn bóng nhẫy đang chầm chậm trườn dọc theo luống khoai, cổ nó bạnh ra, cái lưỡi thè lè, ẩn hiện liến thoắng giữa hai cái răng dài, nhọn hoắt và trắng ởn…
Nó lùi lại và sủa lên cuống quýt. Thấy vậy, ông chủ quay ra nhìn nó với ánh mắt khá bình thản xen lẫn chút khó hiểu. Hình như, ông ấy không hề biết rằng mối nguy hiểm đang đến rất gần. Con rắn thì đang dần tăng tốc, rồi lao tới thoăn thoắt. Dường như, mục tiêu của con rắn không phải là nó mà lại là ông chủ.
“Không thể để con rắn tấn công ông chủ được! Ông chủ rất yêu thương, chiều chuộng mình, cho mình ăn ngon, ăn đủ. Giờ ông ấy đang gặp nguy hiểm, mình sao có thể đứng nhìn?”. Nghĩ vậy, nó tru lên thành tràng, hai bên mép hếch lên, gừm gừm, hai hàm răng nhe ra dữ tợn. Con rắn lúc này chỉ còn cách ông chủ một bước chân nữa thôi. Cái cổ bành ra của con vật gớm ghiếc ấy đã ngả về phía sau lấy đà, sẵn sàng bập hai cái răng sắc như đinh vào chân ông chủ nó. Không chần chừ được nữa, nó chồm vút tới, nhằm thẳng đầu con rắn mà ngoạm một miếng thật lực.
Phập! Trúng rồi! Nó dùng hết sức nghiến hai hàm răng vào nhau thật chặt, như thể muốn nhằn nát đầu con rắn. Nhưng hình như có gì không ổn, bởi nó thấy con rắn đã nhanh như cắt lách mình qua luống khoai rồi trườn về phía hốc dừa. Vậy cái mà nó đang ngoạm trong mồm là cái gì nếu không phải là đầu con rắn? Còn đang loay hoay tìm câu trả lời thì nó đã nghe tiếng ông chủ rú lên đau đớn. Hóa ra, nó đã tớp hụt con rắn, và thứ mà nó day nghiến nãy giờ là cái gót chân của ông chủ nó…
Có vẻ ông chủ đã hiểu được tấm lòng của nó thì phải, bởi ngay trưa hôm ấy, ông lại cho nó ăn rất ngon với một tô cơm đầy ú cùng rất nhiều cá thịt. Nhưng lần này, không chỉ có mình ông mà còn có thêm một người lạ mặt nữa…
- Khiếp! Ông anh cho ăn no thế, lát cân lên thì…
- Bảo chú mua vo đi thì không chịu, cứ thích tính theo cân. Theo cân thì anh phải cho ăn no chứ!
- Mà sao đột nhiên lại bán vậy anh? Em thấy anh cưng nó lắm cơ mà?
- Nó có dấu hiệu thần kinh rồi chú ạ! Sáng nay, tự nhiên nó sủa nhặng lên rồi đớp anh một miếng vào chân sâu hoắm! Không bán đi, nó cắn chết mình lúc nào chẳng hay!
Thế rồi, cái kẻ lạ mặt ấy vung cái thòng lọng lên, quàng vào cổ nó và siết chặt. Nó chẳng hiểu ông chủ và kẻ lạ mặt đó nói gì, nhưng nó thấy khó thở, nghẹn ứ, đau thắt ở cổ, và thấy mình bị lôi đi xềnh xệch…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
facebook.com/truyencuoibua