Máy xét nghiệm kỳ diệu
Tôi học hành không giỏi, đó là sự thật mà ai cũng biết. Và dù không muốn thì tôi vẫn phải tin vào cái sự thật nghiệt ngã ấy. Bởi suốt từ lớp 1 đến lớp 12, tôi hầu như toàn đội sổ, điểm kiểm tra, điểm thi hiếm khi cao hơn 5.
Trong khi các bạn tôi treo kín mít quanh nhà toàn là giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, thì góc học tập của tôi chỉ dán toàn phiếu bé ngoan, thứ phần thưởng duy nhất mà tôi nhận được trong cả quãng đời đi học.
Trong khi các bạn tôi treo kín mít quanh nhà toàn là giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, thì góc học tập của tôi chỉ dán toàn phiếu bé ngoan, thứ phần thưởng duy nhất mà tôi nhận được trong cả quãng đời đi học.
Vì biết khả năng của mình nên tôi không thi đại học mà quyết định ở nhà, chấp nhận cuộc sống lam lũ vất vả với mấy thửa ruộng chua phèn, vài mét vườn còi cọc, dù biết rằng sẽ thật nhiều khó nhọc. Ấy nhưng cuộc đời giống như một chiếc xe máy, và dù ta là người cầm lái thì không phải lúc nào nó cũng đi theo lộ trình ta mong muốn. Bởi nếu lúc nào cái xe cũng đi theo con đường ta mong muốn thì cảnh sát giao thông đã không còn phải lo giải quyết mấy vụ va chạm, tai nạn trên đường, và cũng ít phải nghe hơn tiếng xe cứu thương ú ú thê lương.
Và người khiến cho cái xe của cuộc đời tôi bẻ lái chính là ông chú tôi. Ấy là cái lần chú đến chơi và đột nhiên hỏi tôi:
- Mày có muốn đi học không? Có một trường trung cấp trên huyện đang tuyển sinh đấy!
- Học sao được ạ? Cháu ngu lắm!
- Chú biết! Chính vì thế chú mới khuyên mày đi học cái trường này. Thứ nhất vì nó đang thiếu chỉ tiêu nên không phải thi, chỉ cần đăng ký là đỗ. Thứ hai, nó đang có đợt khuyến mại lớn. Nếu đăng ký học ngay trong tháng này thì sẽ được tặng một bộ nồi inox kèm theo một chảo chống dính dùng được cho cả bếp than và bếp từ. Đặc biệt, trong hai ngày 13-14/8, trường tặng 50% giá trị học phí cho các sinh viên trả trước học phí từ 3 tháng trở lên…
- Thật hả chú?
- Ừ! Nhưng lý do quan trọng hơn cả đó là trường này là trường trung cấp thú y. Học xong mày sẽ đi chữa bệnh cho trâu bò, lợn gà, chó má. Nếu trong quá trình điều trị mà có sơ suất dẫn đến tử vong thì vẫn có thể làm thịt, không sợ bị kiện, cũng không phải bồi thường nhiều!
Vậy là tôi nghe lời ông chú, đăng ký theo học. Sau 6 năm vất vả đèn sách, thi cử, cuối cùng, tôi cũng hoàn thành hệ trung cấp thú y. Ra trường, cầm tấm bằng Trung Bình Yếu trên tay, tôi loay hoay không biết phải làm gì với nó, bởi xin được công việc phù hợp với chuyên ngành của tôi là rất khó.
Trong thời gian chờ tìm việc, tôi vẫn nhận lời đi hoạn lợn, hoạn gà, hoạn chó cho bà con quanh khu. Mỗi lần hoạn cũng kiếm được vài ba chục nghìn. Ngày nào nhiều việc thì được vài ba con, dạo ít việc thì vài ba ngày mới hoạn được một con. Nghe qua thì tưởng là ngon nhưng thực tế thì không hẳn thế. Bởi hoạn là một công việc chứa khá nhiều rủi ro. Có nhiều con lợn dái rất to, nếu mình đưa dao cắt theo thói quen thì sẽ bỏ sót lại một ít dái trong bụng. Chỗ dái sót lại ấy sau hai ngày sẽ viêm nhiễm, hoại tử, khiến cho lợn bị sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, rồi yếu dần mà chết. Ngược lại, có những con dái bé, mình cắt không lựa khéo thì dễ cắt vào ống dẫn tinh khiến tinh dịch tràn vào cuống phổi và lập tức làm lợn tử vong.
Công việc rủi ro là thế, lại chưa có kinh nghiệm do mới ra trường, nên từ lúc làm thêm nghề hoạn này, nhà tôi chẳng mấy khi phải mua thức ăn. Bởi cứ vài hôm người ta lại vác đến một con lợn, hoặc chó, hoặc gà, vứt xuống giữa nhà tôi để bắt đền. Đương nhiên, bố mẹ tôi lại phải bỏ tiền ra bồi thường cho họ, rồi lại lẳng lặng đi đun nước, vặt lông, làm thịt cái con vật xấu số ấy. Bữa cơm, nhìn bố mẹ trệu trạo nhai những miếng thịt có được từ thành quả lao động của mình, tôi cũng thấy như được an ủi, coi như là một cách tôi báo hiếu, trả ơn ba mẹ đã nuôi tôi ăn học, cũng thấy nhẹ nhõm phần nào.
Và rồi lại là ông chú tôi xuất hiện để vạch ra hướng đi cho tôi. Ông bảo, các bệnh viện đang quá tải nên nhu cầu làm xét nghiệm của nhân dân đang rất cao, vì thế, ông ấy sẽ mua một máy xét nghiệm đa năng về, mở một phòng xét nghiệm tư nhân trên huyện cho tôi làm. Khi tôi tỏ ra lo lắng vì mình chỉ học thú y, làm sao khám xét cho người được thì ông ấy bảo là không sao, tôi chẳng phải khám xét gì cả, chỉ việc lấy mẫu máu, nước tiểu, nước bọt, hoặc phân của bệnh nhân rồi cho vào máy để máy tự phân tích, đợi máy báo trả kết quả, thế là xong!
Đang thất nghiệp, tự nhiên có cơ hội tốt như thế, đương nhiên là tôi ưng. Những ngày đầu mới mở, phòng xét nghiệm vắng lắm, khách lèo tèo, có khi cả ngày chả được mống nào. Thế rồi một hôm, có một cụ ông lụ khụ bước vào với một vẻ mặt khá mệt mỏi, chán chường…
- Chào cụ! Con giúp gì được cụ ạ?
- Tôi vừa đi khám ở bệnh viện về, bác sĩ bảo tôi bị huyết áp cao và tiểu đường rất nặng, phải kiêng rượu, kiêng gái. Cả đời tôi chỉ có hai thứ đó là niềm đam mê lớn nhất. Vậy mà giờ bắt tôi kiêng thì tôi chẳng biết mình sống vì cái gì nữa?! Tôi muốn anh xét nghiệm lại giúp tôi xem liệu có nhầm lẫn gì không?!
Tôi lễ phép mời cụ theo tôi vào phòng trong, rồi tự tay tôi lấy máu, phân, nước tiểu và tinh trùng của cụ, trộn lẫn vào ống nghiệm rồi đưa hỗn hợp mẫu ấy vào máy phân tích. Đúng 5 giây sau, tôi đã cầm trên tay kết quả xét nghiệm của cụ…
- Báo cho cụ tin mừng là huyết áp của cụ hoàn toàn bình thường, lượng đường và lipid trong máu cũng rất lý tưởng!
- Thật không anh? Nghĩa là tôi khỏi bệnh rồi hả?
- Dạ vâng!
- Tôi có thể uống rượu và chơi gái chứ?
- Cụ cứ thoải mái!
- Cảm ơn anh rất nhiều! Trước giờ, mỗi lần tôi uống rượu hay đi chơi gái là vợ tôi lại vịn vào mấy cái lời dặn của thằng bác sĩ đó để làu bàu, ngăn cấm. Giờ có tờ kết quả này rồi, mụ ấy mà cằn nhằn là tôi đập tờ kết quả này vào mặt mụ, để xem mụ ấy còn cớ gì mà mắng tôi nữa?!
Mấy ngày sau, ông cụ đó lại đưa thêm một nhóm khoảng chục cụ khác đến chỗ tôi xét nghiệm. Và hầu hết các cụ đều bị bệnh về thận, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phải kiêng rượu bia, thịt cá, gái gú, nên đến khi nhận được kết quả xét nghiệm mà tôi đưa thì cụ nào cũng hớn hở, phấn khởi vì bỗng dưng khỏi bệnh, không phải kiêng khem gì nữa.
Tiếng lành đồn xa, từ sau đợt ấy, phòng xét nghiệm của tôi khách kéo đến đông ngùn ngụt, chen chúc, xếp hàng dài tới tận cuối phố. Khách phải đến từ tờ mờ sớm đợi lấy số thứ tự mới được vào khám. Nhiều người chờ từ 6 giờ sáng đến tận 8 giờ tối mà vẫn chưa tới lượt. Nói vậy để thấy, phòng xét nghiệm của tôi bây giờ đông khách và uy tín đến nhường nào. Và vì thế, tôi phải bàn với ông chú…
- Chúng ta phải mua thêm vài máy nữa chú ạ! Chỉ một máy như hiện tại thì không thể đáp ứng nổi nhu cầu của bệnh nhân!
- Chú biết! Nhưng cái máy này không phải thích là mua được đâu! Phải có dịp, phải đợi!
- Đây là máy xét nghiệm đa năng của Đức mà, cháu thấy nó bán đầy trên mạng ấy, khó gì đâu chú?
- Là vỏ và nhãn mác của Đức thôi, còn ruột và linh kiện là đồ Tàu, nhập lậu về rồi lắp ráp lại mới được vậy đấy! Đợt này hải quan làm gắt nên chưa có hàng.
Và vì vậy, phòng xét nghiệm chỗ tôi vẫn cứ nhung nhúc khách, từ sớm đến tối, đông đúc, bon chen, chật chội vô cùng.
Chiều nay, đúng lúc đang bận mải cuống cuồng, làm không kịp nghỉ tay thì tôi cùng một số nhân viên khác thấy ở bên ngoài có tiếng kèn trống ầm ĩ, rồi khói hương nghi ngút, rồi cả tiếng khóc lóc, tiếng gào thét, chửi bới om sòm. Tôi lập tức chạy ra thì thấy một toán khoảng hai ba chục người, khiêng theo 5 cái quan tài đặt ngay trước cửa ra vào. Đám người đó rất hung hăng, giận dữ, vì thế, tôi phải xuống giọng thật nhẹ nhàng:
- Có chuyện gì vậy ạ? Có chuyện gì xin mọi người cứ từ từ nói!
- Chuyện gì à? Bố chúng tao bị tiểu đường, huyết áp cao, vậy mà mày xét nghiệm xong thì bảo là không sao, cứ rượu bia, chơi gái thoải mái! Đêm qua, các ông ấy rủ nhau nốc rượu say rồi gọi gái về chơi. Kết quả là nhóm có 10 ông thì 5 ông đang cấp cứu ở viện, còn 5 ông đang nằm trong hòm đây. Mày phải chịu trách nhiệm! Phải đền mạng! Phải bồi thường!
Dứt lời, cả đám ấy lại gào khóc, lại nhao nhao xông lên như muốn đập nát cái phòng xét nghiệm của tôi…
- Mọi người bình tĩnh! Chỗ chúng tôi làm việc dựa trên máy móc, thiết bị hiện đại, không làm bậy! Nếu không tin, mọi người hãy đưa năm cái xác chết vào đây, chúng tôi sẽ làm xét nghiệm lại, đảm bảo kết quả vẫn y như lần trước: huyết áp bình thường, nhịp tim bình thường, lượng đường và lipid trong máu lý tưởng.
- Nhưng bố chúng tao chết rồi, làm sao lấy máu, lấy phân, lấy nước tiểu và tinh trùng để xét nghiệm lại được?
- Không sao! Chỗ chúng tôi làm việc dựa trên máy móc, thiết bị hiện đại, cho phép lấy máu, phân, nước tiểu và tinh trùng của người thân để thay thế. Người thân có thể là anh em, con cái, hoặc vợ. Đảm bảo, dù là ai thì kết quả vẫn y như lần trước: huyết áp bình thường, nhịp tim bình thường, lượng đường và lipid trong máu lý tưởng.
Cái đám đông này quả là một lũ hung hãn và điên loạn. Tôi nói nhẹ nhàng, phân tích, giải thích cụ thể, kỹ càng như vậy mà chúng không thèm nghe hết câu đã ồ ạt xông lên. Rồi chúng đập, chúng phá, vớ thứ gì là chúng quăng, chúng ném. Chỉ trong vài phút, cái phòng xét nghiệm của tôi đã tan hoang, tanh bành hết cả. Chưa đủ, chúng còn hành hung, đánh đập mấy nhân viên của tôi. Cũng may, tôi nhanh chân chạy kịp, chứ nếu không thì giờ cũng đang nằm viện cấp cứu giống như 5 ông trong nhóm tiểu đường, huyết áp cao, nặng hơn nữa là nằm trong hòm, như 5 ông còn lại.
Giờ, tôi đã về nhà, ngày ngày đi hoạn lợn, hoạn gà, chấp nhận cuộc sống lam lũ vất vả với mấy thửa ruộng chua phèn, vài mét vườn còi cọc, dù biết rằng sẽ thật nhiều khó nhọc. Thôi thì khó nhọc một chút nhưng mà an toàn, chứ nếu vẫn làm ở cái phòng xét nghiệm ấy thì chẳng khác nào bịt mắt mà đi xe máy, chẳng biết đâm chết người ta lúc nào, và cũng chẳng biết lúc nào sẽ bị người ta đâm chết.
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
facebook.com/truyencuoibua