Breaking News

Fan chân chính



10 giờ đêm, tôi vẫn còn lúi húi chuẩn bị đồ. Cái ba lô được nhét đầy: nào là khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, mì tôm, cả thêm mấy chai nước nữa.
Xong xuôi, tôi lại gần ban thờ tổ tiên, thắp 3 nén nhang, vái lạy thành kính. Rồi tôi quay ra chào biệt mẹ. Mẹ lặng người, mắt đỏ hoe:

- Con đi bình an và thành công. Mẹ đợi tin vui của con!

Tôi không nói gì, ôm mẹ vào lòng thật chặt thay cho lời chào và cũng là thể hiện sự quyết tâm. Tôi xách ba lô lên và đi. Mẹ tựa cửa ngóng theo. Bóng tôi nhạt nhòa, mờ dần trong ánh đèn đường vàng vọt, hắt hiu.

Các bạn đang thắc mắc là tôi đi đâu? Đi chiến trận? Hay đi công tác? Dạ không! Tôi đi mua vé xem bóng đá. Vô lý! Ai lại bán vé lúc 10 giờ đêm? Dạ không, bán vé lúc 8 giờ sáng hôm sau, nhưng tôi phải đi xếp hàng từ bây giờ, chứ nếu đợi sáng mai mới đi thì chỗ xếp hàng cũng chả có chứ chưa nói gì là mua được vé. Đội nào đá mà vé sốt thế? Chung kết World Cup hả? Dạ không, chung kết World Cup làm sao mà sốt vậy được. Là U69 Việt Nam đấy! Cái lứa U69 này được đào tạo bài bản, tập luyện cùng nhau gần 60 năm rồi, nên đá rất hay và ăn ý. Với người hâm mộ nước nhà thì đây chính là niềm tự hào, là tương lai của bóng đá Việt Nam. Tôi là một fan bóng đá chân chính, thế nên cái quyết tâm có được tấm vé xem U69 đá càng lên cao ngùn ngụt trong tôi.

Cứ sợ là mình đến sớm quá, nhưng không, đã có rất nhiều người xếp hàng từ trước tôi rất lâu, và đủ mọi thành phần: đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, người khỏe, người yếu, người mang chiếu, người ôm chăn, kẻ đang ăn, kẻ thì ngủ gà ngủ gật. Tôi cũng nhanh chóng đứng vào hàng, bắt đầu cho hành trình đợi chờ, chen lấn đầy gian nan, vất vả. Nhưng không sao, là một fan bóng đá chân chính, nhất lại là fan bóng đá chân chính ở Việt Nam, thì việc xếp hàng từ nửa đêm đến sáng là việc bắt buộc bạn phải quen, và phải chịu đựng được.

Chả mấy chốc, sau lưng tôi đã có thêm hàng nghìn người nối đuôi, không phải hàng một mà là hàng đôi, hàng ba, hàng bốn, và cũng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ những cái hàng đó sẽ không dài thêm nữa. Người đông, xô đẩy, hơi nóng hập ra, ngột ngạt, khó chịu, kẻ dưới thúc lên, người trên ép xuống, khiến ai cũng bị kẹp chặt, bẹp dí. Nhiều lúc, tôi cảm tưởng như mình không thể thở nổi. Thế rồi mệt quá, tôi gục vào vai người đằng trước, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Nhưng chỉ được một lát, tôi bị đánh thức bởi tiếng la hét, chửi bới om sòm bên tai:

- Lớn tướng rồi còn ỉa đùn! Cứt dính hết vào quần, vào dép người ta rồi! Thối quá! Đi rửa đít rồi thay quần đi! – Một gã đàn ông vừa quát vừa ra sức đẩy một cô gái ra khỏi hàng.

- Em không cố ý mà! Tại đang buồn, mà các anh cứ ép chặt quá nên nó mới phọt ra chứ!

Thấy cảnh đó, tự nhiên tôi cũng buồn, nhưng may sao chỉ là buồn tè. Thế nhưng dù có buồn đến mấy thì tôi cũng không dại gì mà bỏ ra ngoài giải quyết, bởi chỉ cần rời khỏi hàng là tôi sẽ mất chỗ ngay, là bao nhiêu công sức của tôi từ nửa đêm đến giờ sẽ thành công cốc hết. Nhưng không đi giải quyết thì biết làm sao bây giờ? Tôi cũng sắp són ra quần giống như cô gái kia rồi. May quá! Tôi chợt nhớ đến chai trà xanh không độ đang uống dở để trong ba lô. Tôi lấy ra, tu một hơi hết sạch rồi từ từ mở nắp, đưa xuống phía dưới, nhẹ nhàng kéo khóa quần. Cái thằng ngồi đằng trước, thấy tôi vừa uống nước thì quay lại:

- Có trà xanh không độ à? Cho xin ngụm! Khát quá!

- Ừ! Đợi tí đã!

Tôi nhắm mắt, tập trung thở dốc, xả kịch liệt vào cái vỏ chai. Xong, tôi vặn nắp lại cẩn thận rồi đưa cho thằng đó:

- Này, uống đi!

Có lẽ vì cái màu của hai thứ nước khá giống nhau nên thằng đó không nghi ngờ gì, nó đưa luôn lên mồm tu ùng ục. Khi đã thỏa cơn khát, và khi trong chai chỉ còn một ít sóng sánh thì nó mới chìa cái chai lại cho tôi:

- Này! Uống không?

- Ờ thôi, nãy tao uống đủ rồi, mày uống hết đi!

Nghe tôi nói vậy, nó lại đưa lên mồm ực nốt. Xong, thấy mặt nó hơi nhăn:

- Hình như mày mua phải hàng nhái của Tàu hay sao ấy. Thấy mùi nó nồng nồng, không thơm như cái loại tao vẫn uống.

Tôi không nói gì, gục đầu vào lưng nó tranh thủ thiếp đi cho lại sức. Nhưng thỉnh thoảng lại có cái gì cục cục vào lưng khiến tôi không thể chợp mắt được. Quay lại, thì ra là một ông cụ, tay đang cầm một chiếc dép, ông ấy cũng đang gà gật, và mỗi lần ông ấy gật thì cái dép lại đập vào lưng tôi.

- Cụ ơi! Sao cụ không để dép xuống, cứ cầm thế làm gì cho khổ?

- Để xuống là bị mất ngay! Vừa rồi, lúc chen lấn nhộn nhạo, đứa mất dạy nào nó đã lấy mất một chiếc của cụ rồi. Giờ còn một chiếc này, cụ quyết giữ, không thể để mất nốt được!

Cũng may là sau khi tôi nhắc thì cụ đã ý tứ hơn, không còn chọc dép vào lưng tôi nữa, và vì vậy tôi thiếp đi được một giấc khá dài. Nhưng đến gần sáng thì tôi lại bị đánh thức bởi tiếng chửi bới ầm ĩ của một gã đàn ông cao to, cởi trần, xăm trổ loang lổ. Người bị gã đó quát là một thanh niên khá trẻ, và hình như là đang FA. Tôi đoán là thanh niên ấy FA ngay khi tôi biết lý do của vụ cãi cọ:

- Thằng chó! Mày dám bóp zú bạn gái tao à?

- Anh ơi! Hiểu lầm mà! Tại đông người chèn ép quá, nên tay em vô tình chạm vào thôi!
Cô bạn gái của gã xăm trổ nghe vậy thì lập tức gào lên:

- Nó nói điêu đấy! Nó bóp zú em suốt từ đêm qua đến giờ chứ vô tình hồi nào?

- Nó làm bậy từ đêm qua đến giờ, sao em không bảo anh ngay mà đến giờ mới chịu nói?

- Thì em đợi xem nó có định làm thêm gì không. Nhưng suốt từ đêm qua đến tận sáng nay, nó cũng chỉ dám mon men bóp zú thôi. Em bực mình quá nên cuối cùng mới quyết định nói cho anh biết!

- Thằng chó! Tao yêu nó gần năm nay rồi còn chưa dám bóp! Thế mà mày…

Vậy là gã xăm trổ lao tới, rồi nghe tiếng “bôm bốp”, “hự hự”, tiếng chửi rủa, khóc lóc, van xin… Là tôi nghe thấy thôi, chứ tôi không nhìn, bởi tôi đã úp mặt vào lưng thằng ngồi trước, dần dần thiếp đi…

Cuối cùng, sau rất nhiều những chen lấn, chèn ép, giành giật mệt mỏi, sáng hôm sau, tôi đã may mắn là một trong số ít ỏi những người mua được vé. Cầm tấm vé trên tay, tôi thở phào, tự hào, trong lòng dâng lên một cảm giác sung sướng, nôn nao. Và rồi lập tức, một chị gái đội nón lụp xụp, khẩu trang kín mít chạy lại chỗ tôi.

- Bán lại vé không em? Chị trả 5 lít!

Tôi nghe vậy thì cười khẩy:

- Xin lỗi chị! Em chịu vất vả, khổ sở, chầu chực từ 10 giờ đêm qua đến giờ không phải vì tiền. Em là fan bóng đá chân chính. Chị trả 5 lít chứ có trả tiền triệu em cũng không bán!

- Triệu mốt nhé?

Lời đề nghị tiếp theo của chị ấy quả thực khiến tôi băn khoăn. Triệu mốt cơ mà! Một số tiền không hề nhỏ! Tôi mua giá gốc có 1 trăm, giờ nếu đồng ý bán sẽ lãi 1 triệu. Kể cũng bõ cho những nhọc nhằn tôi đã chịu đựng từ đêm qua tới giờ. Thực ra, tôi nghĩ lại rồi, là fan bóng đá chân chính đâu có nghĩa là phải vào sân xem. Xem qua tivi cũng vẫn là fan chân chính mà. Nếu bán cái vé này đi, tôi có thể ra quán bia vừa uống vừa xem, gọi đồ nhắm tẹt ga, chắc chỉ hết vài trăm là cùng, vẫn còn thừa tiền đút túi, lại được thảnh thơi ngồi gác chân lên bàn mà xem, chả sướng hơn là vào sân chen chúc, nóng bức, ồn ào, rồi những pha bóng hay cũng không quan sát được kỹ, không được xem quay chậm lại, cũng không được nghe anh Biên Cương bình luận. Nghĩ vậy, tôi mở giọng ngập ngừng:

- Triệu hai nhé?

- Không được đâu em ơi! Vé của em vị trí đẹp nên chị mới trả giá đó, còn mấy người khác chị mua chỉ có bảy, tám trăm thôi à! Không tin em cứ hỏi mấy người kia thì biết, họ cũng xếp hàng như em, cũng vừa bán cho chị xong.

“Thôi thì bán vậy!”. Tôi tặc lưỡi! Đúng ra là tôi chưa muốn bán lắm! Bởi tôi biết, nếu để đến hôm sau mà mang ra bán trực tiếp tại cổng sân vận động thì bét nhất cũng phải được triệu rưỡi. Nhưng thôi, cò kè vài đồng bạc làm gì, coi như là ủng hộ vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. Tôi là fan bóng đá chân chính cơ mà!

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
facebook.com/truyencuoibua

Bài đăng phổ biến